Thi đua Giáo_dục_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa

Một phong trào giáo dục của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phong trào "thi đua". Nhà nước mở ra nhiều cuộc thi đua như "thi đua yêu nước" để vận động quần chúng nhất là giới trẻ. Những người chiến thắng trong những cuộc thi đua này được chọn làm khuôn mẫu (model fighters-chiến sĩ thi đua) để những người khác noi theo[18]. Bắt đầu từ năm 1952 công thức này được đem dùng rộng rãi. Hồ Chí Minh huấn thị trong bài phát biểu khai mạc Đại hội các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu toàn quốc ngày 1-5-1952: "Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất"[19]. Nguồn gốc của phong trào này là ý tưởng sorevnovanie từ Liên Xô do Lenin đề xướng tháng 12 năm 1918, một năm sau Cách mạng tháng Mười.[18] Đến đầu thập niên 1960, các phong trào thi đua trở thành một thực tại ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và một hệ thống cấp bậc danh hiệu được thiết lập.[18]

Năm 1961 Hồ Chí Minh phát động phong trào "Hai tốt: dạy tốt học tốt" áp dụng thi đua ở học đường.[20] Hồ Chí Minh cũng đề ra "5 điều", coi như những điểm cơ bản của Bác Hồ học sinh phải tuân theo nếu muốn đạt được danh hiệu cháu ngoan Bác Hồ:[21][22]

  1. Phải siêng học,
  2. Phải giữ sạch sẽ,
  3. Phải giữ kỷ luật,
  4. Phải làm theo đời sống mới,
  5. Phải thương yêu giúp đỡ cha mẹ anh em.

Tháng 5 năm 1961, nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Đội Tiền Phong, Bác Hồ gửi cho các cháu tiền phong (the Pioneers) một bức thư với 5 điều định dạng lại như sau:[21][23]

  1. Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào
  2. Học tập tốt, lao động tốt
  3. Đoàn kết tốt, kỷ luật tốt
  4. Giữ gìn vệ sinh
  5. Thật thà dũng cảm.

Đến năm 1965, phiên bản cuối cùng của 5 điều có thêm khiêm tốn ở điều thứ 5:[20]

  1. Yêu tổ quốc, yêu đồng bào
  2. Học tập tốt, lao động tốt
  3. Đoàn kết tốt, ký luật tốt
  4. Giữ gìn vệ sinh thật tốt
  5. Khiêm tốn thật thà dũng cảm

Lưu ý rằng "cha mẹ anh chị em " không còn xuất hiện như trong 5 điều ban đầu; đến lúc này, gia đình đã được/bị thay thế bởi sự đoàn kết và lòng yêu nước đặc trưng, tập thể, được biểu tượng hóa cho thiếu niên qua hình ảnh Bác Hồ.[21]

Nhiều địa phương tổ chức các buổi triển lãm để tuyên truyền 5 điều Bác Hồ dạy.[20] Tính đến năm 1970 đã có hơn hai triệu thiếu niên với danh hiệu "cháu ngoan".[24]

Một tổ chức quan trọng khác là đội thanh niên xung phong. Hầu hết thành viên của đội thanh niên xung phong là nữ giới. Nam giới trong đội thanh niên xung phong thường là một trong ba trường hợp: (i) không đủ điều kiện nhập ngũ (ii) không nhất thiết phải nhập ngũ (ví dụ như anh chị em của một liệt sĩ) (iii) những người có lý lịch không tốt muốn tham gia công vụ để "chuộc tội".[25] Tuổi gia nhập là từ 17 lên đến 30 (1965-68), sau rút xuống 17-25 (1968-72) rồi 17-22 (1972-75). Tuy nhiên không ít em gia nhập từ năm 15 như nhà văn Lê Minh Khuê.[26]

Từ tháng 5 năm 1964, cuộc thi đua "Ba sẵn sàng" đã bắt đầu ở Đại học sư phạm Hà Nội, yêu cầu tuổi trẻ sẵn sàng chiến đấu cho Tổ quốc:

  1. Sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu dũng cảm
  2. Sẵn sàng gia nhập lực lượng vũ trang
  3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ điều gì mà Tổ Quốc cần

Đến tháng 8 năm 1964, với những cuộc ném bom đầu tiên từ người Mỹ, cuộc thi đua bắt đầu lan truyền từ người trẻ sang thiếu niên và vị thành niên. Bên cạnh đó, sau khi Hoa Kỳ chính thức đưa quân vào miền Nam, trong bài phát biểu trước nhân dân vào ngày 20 tháng 7 năm 1965, Hồ Chí Minh định nghĩa mục tiêu của mỗi cá nhân là "chống Mỹ, cứu nước", trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ của thanh thiếu niên là huy động tất cả những nỗ lực để thực hiện thành công phong trào "Ba sẵn sàng".[27][28]

Ngoài "ba sẵn sàng" ra còn có "năm xung phong" để thanh thiếu niên học tập.[29]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Giáo_dục_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa http://vuongtrinhan.blogspot.com/2014/12/may-cam-n... http://cothommagazine.com/index.php?option=com_con... http://www.ninh-hoa.com/bk-ThuyNguyen_GiaoDucvaThi... //www.worldcat.org/issn/1859-0152 http://ditichhochiminhphuchutich.gov.vn/bac-ho-voi... http://vhnt.org.vn/tin-tuc/tu-lieu-trong-nuoc/2902... https://tennguoidepnhat.net/2012/04/04/l%E1%BB%9Di... https://tennguoidepnhat.net/2012/07/25/thu-gui-cac... https://web.archive.org/web/20101122005421/http://... https://vnu.edu.vn/home/?C1635/N4193/Giao-duc-Viet...